Gia Tộc Thanh Minh Thanh Nga

Gia Tộc Thanh Minh Thanh Nga

Gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga bắt đầu từ ông Năm Nghĩa, một nghệ sĩ nổi danh với giọng ca ngọt lịm. Ông đã cộng tác với nhiều đại bang lúc bấy giờ, trong đó có đoàn Phước Cương (của cha NSND Kim Cương) và thu đĩa rất nhiều (khoảng 1938). Công lao lớn nhất của ông là từ bài Dạ cổ hoài lang nhịp 4 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ông đã phát triển lên thành nhịp 8 với tác phẩm do mình sáng tác là bài Văng vẳng tiếng chuông chùa lưu hành khắp Nam kỳ lục tỉnh. Từ đó, các nhạc sĩ phát triển lên thành nhịp 16, rồi 32, và 64 như hiện nay.

Gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga bắt đầu từ ông Năm Nghĩa, một nghệ sĩ nổi danh với giọng ca ngọt lịm. Ông đã cộng tác với nhiều đại bang lúc bấy giờ, trong đó có đoàn Phước Cương (của cha NSND Kim Cương) và thu đĩa rất nhiều (khoảng 1938). Công lao lớn nhất của ông là từ bài Dạ cổ hoài lang nhịp 4 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ông đã phát triển lên thành nhịp 8 với tác phẩm do mình sáng tác là bài Văng vẳng tiếng chuông chùa lưu hành khắp Nam kỳ lục tỉnh. Từ đó, các nhạc sĩ phát triển lên thành nhịp 16, rồi 32, và 64 như hiện nay.

Thanh Minh - Thanh Nga tái xuất: Nghẹn ngào nước mắt cố nhân

Cập nhật ngày: 20/02/2014 05:00:44

Chương trình kỷ niệm đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga đang ráo riết tập luyện để ra mắt vào tối 1/3 tới. Cố nhân gặp nhau, ôm chầm trên sàn tập, mừng mừng tủi tủi…

Các nghệ sĩ từ trái qua tại buổi tập hôm 18/2: Chí Tiên, Ngọc Giàu, Thành Lộc, Kiều Mai Lý, Phượng Liên

Nhà hát Nón Lá là nơi tập tuồng lý tưởng vì nằm ngay trung tâm thành phố (trong khuôn viên Cung Văn hóa Lao Động TP.HCM), lại gọn gàng, mát mẻ. Vừa qua Tết, nghệ sĩ còn khá bận rộn với lịch diễn dày đặc của các sân khấu và đoàn phim, nhưng lạ sao, mọi người đều đến tập tuồng đầy đủ và đúng hẹn. Giữa sân khấu là bàn thờ cố NSUT Thanh Nga được anh em dọn ra để mọi người thắp hương tưởng nhớ.

Bàn thờ đơn giản chỉ có di ảnh bà được đặt trên chiếc bàn nhựa nhỏ xíu, vậy mà dễ thương đến lạ kỳ như chính con người nữ nghệ sĩ đáng kính. Và không gian của sân khấu Rồng Vàng cũng trở nên ấm cúng hơn hẳn trong làn khói hương lan toả hòa quyện với tiếng nhạc xưa, như có sự hiện diện của Thanh Nga dõi theo anh em để tiếp thêm sức mạnh.

Quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài danh trong một chương trình không phải là chuyện dễ, đủ thấy anh em yêu mến Thanh Nga và bà bầu Thơ đến nhường nào. Như Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Hồng Nga, Thanh Sang, Kiều Mai Lý, Thành Lộc, Vũ Linh, Hoài Linh, Trọng Phúc, Hùng Minh, Tú Sương…

Đáng quý hơn là thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc trong thời buổi “trễ giờ” đã thành… chuyện thường ngày ở huyện. Hẹn 10 giờ tập tuồng, thì mới 9 rưỡi đã có mặt đầy đủ, và không một ai chểnh mảng hay giở thói ngôi sao. Hình như không khí cải lương xưa đã sống lại, kéo mọi người trở về với một thời hoàng kim rực rỡ.

Thanh Sang - Phương Liên hăng say tập vở

Hôm đầu tiên lên sàn tập, anh em nghệ sĩ nắm tay nhau mừng mừng tủi tủi. Đã lâu lắm rồi họ mới được đứng chung trên một sân khấu. Nhiều người không còn đi hát suốt mấy chục năm như nghệ sĩ Xuân Lan diễn vai Bích Vân công chúa.

Từ hồi đoàn Thanh Minh - Thanh Nga rã gánh, bà đi làm nghề khác, rồi chuyển qua làm bảo hiểm mười mấy năm nay. Khó có thể tưởng tượng Bích Vân công chúa đầy chất nghệ sĩ xưa kia lại có thể trở thành người phụ nữ có phong thái nhanh nhẹn, tự tin, hiện đại của một doanh nhân, lướt máy tính bảng vun vút.

Hỏi bà thì bà cười: “Biết sao được, cuộc sống chảy tới đâu thì mình theo tới đó!”. Nhưng vừa bước lên sàn tập thì thoắt cái bà trở lại với nàng công chúa đậm chất cổ điển kiêu sa. Xa sân khấu đã lâu nhưng bà vẫn thuộc lời vanh vách, nhớ như in từng điệu bộ bởi vai diễn đã trở thành máu thịt.

37 năm tân trạng Trần Minh và công chúa Bích Vân mới gặp lại nhau nhưng không ngờ vẫn thật ăn ý khiến nhiều người xem tập mà máu trong người cứ rần rần phấn khởi.

Nghệ sĩ Kim Hương từng đóng vai nàng Tía và Tiểu Loan. Mấy chục năm nay bà vẫn bám trụ với nghề. Không hát cải lương thì bà làm “bầu” tổ chức các buổi diễn rối, xiếc, ca múa nhạc trong các trường tiểu học, trung học, phục vụ trẻ em. Giá rất rẻ, nhưng bà vẫn sống đều đều để… chờ tới hôm nay. Bà dí dỏm nói như thế.

Thật sự bà cũng không ngờ có ngày mình quay về “tổ ấm” Thanh Minh - Thanh Nga. Đây là cô đào đẹp từng được đôn lên đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga khi Thanh Nga vừa mất. Nhưng bây giờ… bà cười khà khà: “Mập quá trời đi! Mắc cỡ quá! Thôi lên hát một chút để kỷ niệm với đoàn, chứ bao nhiêu tâm tư xin truyền lại các em sau này, mong giữ gìn cải lương đừng mai một”.

Các lớp diễn được tập trước cả tuần, đến 18/2 thì nghệ sĩ Phượng Liên, Phương Hồng Thuỷ, Thanh Hằng mới từ Mỹ và Úc bay về. Thật không thể ngờ sự nhiệt tình của các nghệ sĩ này, anh em nói vui: “Cát-sê đủ mua vé máy bay không vậy!”.

Đây là ba nghệ sĩ nổi tiếng của cải lương, ai cũng là đào chánh, đào đẹp một thời, giờ đã định cư an ổn, nhưng vì cái tình với Thanh Minh-Thanh Nga mà quay về, không so đo tính toán.

Phượng Liên là người cùng thời với Thanh Nga, từng đứng chung trên sàn diễn của bà bầu Thơ, có giọng ca trầm ấm sang trọng đến nay vẫn hớp hồn khán giả. Chính vì vậy bà mới được chọn để thay thế Thanh Nga trong vai Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh) và Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa).

Thật lạ, có Phượng Liên về, thì NSƯT Thanh Sang bỗng trở nên phấn khởi, vô vọng cổ ngọt lịm. Sân khấu là vậy đó, đào kép phải phù hợp thì diễn mới hăng. Thanh Sang từng nói: “Chất giọng và cách diễn của tôi khó tìm đào đóng chung lắm, cho nên khi Thanh Nga mất tôi ít đi hát với ai là vì vậy”. Quả thật, Thanh Sang cũng từng đóng chung với vài người, nhưng hình như không ăn ý lắm. Giờ trở lại với Phượng Liên, cùng một phong cách trầm buồn, từ tốn, Thanh Sang tập tuồng rất nhanh.

Còn Thanh Hằng vui vẻ nhận một vai rất phụ là nàng Thánh Thiên cận tướng của Trưng Trắc, chứng tỏ lòng yêu nghề của chị. Hỏi ra thì năm 14 tuổi chị đã vô đoàn Thanh Minh - Thanh Nga làm…quần chúng. Chị chỉ lên màn hình video có cảnh múa trong vở Bên cầu dệt lụa: “Đó, tui đang múa đó. Trời ơi, thắm thoát mà 20 năm, nhớ quá đi thôi!”.

Có ai ngờ, cô bé ngày xưa giờ ngồi đây với những cố nhân, vừa vui vừa rưng rưng muốn khóc…Mọi người đang sống lại một thời Thanh Minh - Thanh Nga lừng lẫy… Và khán giả cũng nôn nao chờ ngày gặp lại những “cố nhân”. Bởi nghệ sĩ và khán giả của Thanh Minh - Thanh Nga như những tri âm, họ thuộc lòng từng lời ca, cảnh diễn.

Cải lương có một thứ hạnh phúc lạ kỳ như thế!

Bài, ảnh: Hoàng Kim - Vũ Anh(TNO)